Chiều 17.10,êncứumiễnhọcphíchohọcsinhcônglậtiki Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết 98/2023 và Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM dẫn chứng câu chuyện thực tế khi đi thẩm định thấy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống thì ghi nhận nhiều nơi đóng cửa, doanh nghiệp than làm ăn khó khăn rất nhiều. Do đó, đại biểu này đề nghị UBND TP.HCM cần phải đánh giá, phân tích kỹ tình trạng mất việc làm, thất nghiệp cũng như mức sống của người dân.
Trong khi đó, đại biểu Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đặt vấn đề về chính sách cho nhân viên ngành giáo dục, đồng thời quản lý chất lượng như thế nào khi nhiều cơ sở giáo dục cứ nộp hồ sơ là trúng tuyển.
Về nhà ở, bà Yến nói trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đặc biệt quan tâm về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. "Nhiều chung cư, dân đã đi rồi mà mấy năm không thấy động đậy gì. Vậy vì lý do gì?", bà Yến đặt câu hỏi và nhận định vướng mắc không chỉ nguồn vốn mà còn nhiều vấn đề khác.
Trao đổi với đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm là những vấn đề rất quan trọng đối với thành phố. Theo ông, sự phát triển của TP.HCM không chỉ đo bằng những ngôi nhà cao mà là xóa được bao nhiêu khu nhà ổ chuột, cải thiện bao nhiêu khu dân cư không đảm bảo tiêu chuẩn.
Chủ tịch TP.HCM cũng thông tin về kế hoạch miễn học phí và nhấn mạnh thành phố đã đặt vấn đề, đã bàn và đang nghiên cứu chính sách này. Ông Mãi chia sẻ thành phố rất mong muốn đến năm 2025 có thể thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh trên địa bàn. "TP.HCM sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này, trên cơ sở cân đối ngân sách", ông nói thêm.
Theo khảo sát, trong năm học 2023-2024, nhiều địa phương trên cả nước đã miễn học phí cho học sinh như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình…
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng dành thời gian cung cấp thông tin về việc thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đến đại biểu, nhất là việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ, công chức để chuyển tải các cơ chế đặc thù.
"Nghị quyết đã có, vấn đề còn lại là người làm", ông Mãi nhận định, đồng thời cho biết TP.HCM đang xây dựng đề án nền công vụ hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. Ngoài quy định chung, TP.HCM sẽ có cơ chế mới như thi tuyển chức danh lãnh đạo, chức danh chuyên môn, tuyển chức danh khoa học.